Trong vòng 20 năm cuối thế kỷ XX, việc xây dựng công trình ngầm ở nước ta có những bước phát triển vượt bậc. Xây dựng ngầm xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.
Với lợi ích thiết thực của công trình ngầm cùng sự gia tăng xây dựng trong thời gian tới, chúng ta cũng cần nhìn lại những bất cập để đảm bảo chất lượng công trình ngầm bền vững.
Sự phát triển công trình ngầm
Ở lĩnh vực xây dựng thủy lợi - thủy điện, sau tổ hợp ngầm của thủy điện Hòa Bình, đến nay nước ta đã xây dựng hàng trăm km đường hầm có tiết diện khác nhau, nhiều hầm dài hàng chục km. Hầm trong xây dựng thủy điện là hầm núi, nằm trong đá, thi công chủ yếu bằng các phương pháp mỏ.
Còn trong xây dựng giao thông những năm qua đã xây dựng hàng chục hầm đường bộ. Hiện tại, hầm dài nhất là hầm Hải Vân 6,4km. Ở lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, đặc biệt là ở các thành phố lớn công trình ngầm thường gặp ở hầu hết các nhà cao tầng (1 - 3 tầng, cá biệt có công trình có 5 - 6 tầng), ở các gara, bãi đỗ xe và các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Hầu hết các tầng hầm của nhà cao tầng được xây dựng bằng phương pháp “tường trong đất”, một vài công trình được xây dựng bằng phương pháp đào lộ thiên kết hợp mái dốc với tường cừ.
Theo TS. Nguyễn Thế Phùng - Đại học Xây dựng Hà Nội thì hiện nay, việc khảo sát thiết kế và thi công công trình ngầm, về cơ bản đã cập nhật được các công nghệ tiên tiến trên thế giới và khu vực. Các phương pháp thiết kế, các phần mềm và mô hình tính toán, các thiết bị, phương tiện và phương pháp khảo sát địa vật lý; các công nghệ thi công tiên tiến như NATM, TBM, cốp pha di động và tự bước, hầm dưới nước thi công bằng phương pháp hạ đoạn đã được áp dụng.
Hầu hết các công trình do Việt Nam tự thiết kế và xây dựng đều có chất lượng đảm bảo, được vận hành hiệu quả và an toàn. Các mô hình quản lý xây dựng, quản lý chất lượng các công trình xây dựng cập nhật trình độ và phương pháp của thế giới, đã được vận hành trơn tru và có hiệu quả.
Vẫn còn nhiều bất cập
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng ngầm ở nước ta hiện nay còn có một số vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.
Nhìn lại từ một số sự cố về công trình ngầm trong thời gian qua như sự cố tại công trình Pacific (TP. HCM); cao ốc Sài Gòn MC; cao ốc Lim Tower... Ths. Thân Đức Quốc Việt - Cty CP Kiểm định xây dựng Sài Gòn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố này, trong đó có thiếu thông số đất nền phù hợp cho việc tính toán thiết kế các hố đào; thiếu sự ghi nhận mực nước ngầm qua các mùa hoặc là mực thủy triều nếu ở gần song; khảo sát mực nước ngầm qua hố khoan khảo sát địa chất chưa phù hợp… Ngoài ra còn có sự cố về kỹ thuật khác.
Từ những nguyên nhân này, đã cho thấy, công tác lựa chọn kỹ sư địa kỹ thuật có năng lực tốt hoặc chuyên gia công trình ngầm để tham gia tư vấn cho việc xây dựng phần ngầm có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần có số liệu khảo sát địa chất cần đầy đủ, chính xác để tư vấn thiết kế phần ngầm đủ các thông số tính toán, kiểm tra.
Cần lắp đặt đầy đủ các thiết bị quan trắc để theo dõi, kiểm tra mực nước ngầm, biến dạng của công trình ngầm, nền đất và các công trình lân cận. Ngoài ra, khi chọn nhà thầu thi công phần ngầm, chủ đầu tư cần chú trọng xem xét năng lực, kinh nghiệm nhà thầu hơn là về giá. Cơ quan chuyên môn về xây dựng nên có tài liệu hướng dẫn việc thiết kế phần ngầm trong đô thị. Các trường đại học về xây dựng nên mở chuyên ngành kỹ thuật để đào tạo thành những kỹ sư chuyên về nền móng, công trình ngầm, xử lý nền.
Theo TS. Nguyễn Thế Phùng thì chúng ta đang có chương trình, nội dung đào tạo lạc hậu, không cập nhật được kiến thức và công nghệ hiện đại, thiếu chuyên sâu. Điều này ảnh hưởng nhiều đến năng lực tiếp cận và áp dụng công nghệ mới của đội ngũ cán bộ, kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình ngầm. Ngoài ra, chất lượng một số quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng ngầm thấp; nội dung lạc hậu và thiếu đồng bộ. Thiếu các tài liệu kỹ thuật, các tiêu chuẩn chuyên nghành, đặc biệt là trong lĩnh vực duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại hầm và công trình ngầm. Những quy định đã có về vấn đề này còn chung chung, thiếu những quy định cụ thể.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu tất yếu của một đô thị hiện đại, thì công trình ngầm sẽ còn phát triển. Nếu khắc phục được những bất cập hiện tại và học tập kinh nghiệm quốc tế, chúng ta sẽ có nhiều công trình ngầm mới hiện đại và đảm bảo chất lượng trong tương lai.
Theo Gia Bảo(Báo Xây Dựng)