Sau hơn 2 tháng thi công, hạng mục khoan kích ống ngầm của dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, do Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương (BIWASE) làm chủ đầu tư đã hoàn thành 80% khối lượng công việc.
Đây mô hình thực tế điển hình, là tiền đề để Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cùng BIWASE và Công ty Yasuda tổ chức buổi Hội thảo: “Công nghệ khoan kích ống ngầm trong thi công tuyến ống nước thải”.
Quá trình hạ đặt ống cống D300mm do Công ty Yasuda thi công.
Công nghệ khoan kích ống ngầm đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, một số công trình đã sử dụng và cho thấy tính ưu việt của công nghệ này trong điều kiện của các đô thị có mật độ dân số, giao thông cao, mặt bằng chật hẹp, điều kiện thi công khó khăn. Tuy nhiên, cho tới nay công nghệ này chưa được sử dụng phổ biến và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức dự toán chưa được áp dụng cũng như còn một số vướng mắc trong quá trình thi công.
Trong khuôn khổ buổi Hội thảo, các đại biểu còn được tới thăm công trường, nơi đang triển khai công nghệ khoan kích ống ngầm và nghe đại diện tổ chức JICA - Nhật Bản, Công ty Yasuda, đơn vị thi công hạng mục khoan kích ông ngầm thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương công khai kết quả thi công, giải đáp thắc mắc, đưa ra một số khuyến nghị cho phương án thi công. Từ đây, một số nội dung trong triển khai công nghệ, giữa tài liệu và thực tế đã được làm rõ.
Với vai trò của chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Thiền - CT HĐQT, TGĐ BIWASE chia sẻ: Công nghệ khoan kích ống ngầm là biện pháp thi công có độ an toàn cao, đặc biệt đối với các công trình xung quanh, giảm thiểu công tác đào hở gây ách tác giao thông tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Ông Tạ Quang Vinh - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật khẳng định: Để phát triển công nghệ khoan kích ống ngầm tại Việt Nam thì IBST, ICE cần nghiên cứu trên cơ sở tài liệu và các công trình thực tiễn đã và đang được triển khai, sớm hoàn thành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức dự toán thi công công nghệ này tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đối tác tham gia phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng bền vững.
Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương được thực hiện bởi nguồn vốn ODA do Chính phủ Nhật Bản tài trợ để xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt cho TP Thủ Dầu Một - tỉnh Bình Dương có công xuất 17.650m3/ngày-đêm và phạm vi thu gom là 952ha. Dự án được triển khai thi công từ tháng 4/2011 và khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 6/2013.
Do còn vốn, BIWASE đã đề nghị và được JICA cùng các bộ, ngành của Việt Nam chấp thuận sử dụng số vốn đó vào việc mở rộng mạng lưới thu gom nước thải nhằm tăng cường khả năng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho TP Thủ Dầu Một. Trong dự án này, BIWASE đã áp dụng công nghệ khoan kích ống ngầm trên 500m cống với đường kính D300mm.
Theo Mai Thanh (Báo Xây Dựng)