Phát triển đô thị sinh thái và ứng dụng công nghệ giảm phát thải Carbon giúp chúng ta có một cách nhìn tổng thể trong việc xây dựng các đô thị xanh.
Đây là vấn đề được đề cập tại hội thảo “Phát triển đô thị sinh thái và ứng dụng công nghệ giảm phát thải Carbon” do Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM (Sở KH&CN TP HCM) đã phối hợp tổ chức tại KĐT Ecopark (Hà Nội), ngày 11/3. Hội thảo cũng nhận được tài trợ từ Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đến dự và phát biểu khai mạc hội thảo.
Hiện nay thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro chung mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt, động đất, ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, lượng khí thải carbon toàn cầu liên tục gia tăng và đạt mức kỷ lục 36 tỷ tấn vào năm 2013.
Còn tại Việt Nam, hiện có 774 đô thị. Các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM đều đang phải đối diện với những vấn đề lớn về gia tăng dân số ở khu vục trung tâm, ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng, ô nhiễm nguồn nước...
Theo dự báo, đến năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 850 đô thị và đến năm 2025 sẽ có 1000 đô thị. Xuất phát từ thực trạng trên, việc phát triển carbon thấp đã trở thành một ưu tiên trong các chính sách, chiến lược quan trọng của quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Đánh giá được vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đô thị trong quá trình hội nhập và phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn 2050”. Trong đó, mục tiêu chiến lược được xác định là từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng, đô thị sống tốt; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến giàu bản sắc; có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế- xã hội quốc gia và quốc tế.
Đặc biệt, từ năm 2011, trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ, Việt Nam và Nhật Bản đã triển khai xây dựng các đô thị sinh thái tại Việt Nam.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong lĩnh vực phát triển đô thị, Nhật Bản là một trong những nước có nhiều kinh nghiệm. Bằng việc áp dụng những giải pháp công nghệ về giảm thiểu khí carbon trực tiếp vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng đô thị, xây dựng công trình kiến trúc đô thị, Nhật Bản đã thực hiện thành công công cuộc tái thiết đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, sinh thái, phát triển giao thông xanh, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động tới môi trường.
Từ những năm 90 đến nay, nhiều TP của Nhật Bản đã trở thành TP kiểu mẫu về môi trường. Mô hình đô thị sinh thái đã được nhân rộng phát triển trên phạm vi quốc gia và được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, học tập.
Thứ trưởng nhận định: Với chủ đề “Phát triển đô thị sinh thái và ứng dụng công nghệ giảm phát thải Carbon”, hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng và có tính thời sự, giúp chúng ta có một cách nhìn tổng thể trong việc xây dựng các đô thị xanh, đô thị sinh thái hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Qua đó, chúng ta có cái nhìn tổng quan về thực trạng và tiềm năng phát triển các đô thị sinh thái, khả năng ứng dụng các công nghệ giúp giảm phát thải carbon trong quá trình phát triển các đô thị tại Việt Nam.
Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng qua hội thảo, sự hợp tác, đẩy mạnh đầu tư, mở rộng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và kiến thức của các bạn phía Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển đô thị sẽ góp phần vào thúc đẩy quá trình phát triển bền vững đô thị Việt Nam và tăng cường quan hệ Việt - Nhật.
Tại hội thảo, các đại diện của Việt Nam và Nhật Bản đã giới thiệu về chính sách, thực tiễn phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam đồng thời giới thiệu các tiêu chuẩn đô thị sinh thái của Nhật Bản.
Các chuyên gia đến từ các tổ chức, DN của Nhật Bản cũng đã giới thiệu những giải pháp công nghệ ứng dụng, khả năng chuyển giao công nghệ cho các KĐT tại Việt Nam như công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ chiếu sang đèn LED, công nghệ xử lý nước thải, hệ thống chia sẻ xe đạp thông minh đã áp dụng thành công tại Nhật Bản...
Theo Hòa Bình (Báo Xây Dựng)