Theo ước tính của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tính đến cuối tháng 12/2014, lượng clinker tồn kho vào khoảng 2,1 triệu tấn, nhưng lượng xi măng tồn kho giảm còn khoảng 600.000 tấn.
Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng, dù tình hình kinh tế - xã hội 2015 vẫn diễn biến khó lường, nhưng ngành xi măng kỳ vọng sẽ khởi sắc vì Chính phủ vẫn quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, nhu cầu về xây dựng của người dân tăng và thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ năm 2014 khoảng 70,6 triệu tấn, đạt 110,3% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2013. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 50,9 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2013; xuất khẩu khoảng 19,7 triệu tấn, tăng 30% so với năm 2013.
Bộ Xây dựng cũng đặt mục tiêu trong năm 2015, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ sẽ lên mức 70-72 triệu tấn, tăng nhẹ so với 2014.
Mặc dù lượng tồn kho xi măng nhiều, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàn Cầu, Tổng thư ký VNCA, lượng tồn kho của ngành xi măng kể trên không gây ra nhiều trở ngại đối với các DN xi măng. Nguyên nhân là phần lớn lượng hàng tồn kho dưới dạng clinker (nguyên liệu để sản xuất, nghiền thành xi măng) nên có thể lưu kho lâu hơn, để đến giữa năm 2015 vẫn tiêu thụ được, không như dạng xi măng, DN tồn kho loại này cần phải bán ngay trong vòng 2-3 tháng.
Hàng tồn kho mới đang chỉ làm DN tiêu thụ hàng hóa chậm đi. Nên muốn giảm hàng tồn kho thì DN phải thúc đẩy tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm. Nếu không, nhà máy buộc phải sản xuất với số lượng ít đi để tiết kiệm tối đa chi phí.
Cùng với sự khởi sắc trên thị trường BĐS cũng như tình hình xây dựng cơ bản sôi động đã tạo động lực giúp ngành xi măng dễ thở hơn sau giai đoạn khó khăn bởi hàng tồn kho, ế ẩm.
Với những lợi thế vượt trội của mình, theo đà tăng trưởng tươi sáng của năm trước, xi măng đang hứa hẹn năm 2015 đầy lạc quan.