Nghệ An quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm sản xuất VLXD

Cập nhật: 04/03/2015, 03:02:26 PM

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An, tỉnh này có chủ trương xây dựng ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đó sẽ là những vùng làm nhiệm vụ trung tâm, đầu tàu, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển. 2 trong số 3 vùng kinh tế trọng điểm trên được dành cho đầu tư phát triển các khu công nghiệp dành cho lĩnh vực sản xuất VLXD.

Theo đó, ba vùng kinh tế trọng điểm được xác định là thành phố Vinh-Thị xã Cửa Lò-các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An-Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai-Quỳnh Lưu gắn với Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An; vùng kinh tế miền Tây Nghệ An, trọng tâm là huyện Nghĩa Đàn-Thị xã Thái Hòa- huyện Quỳ Hợp.

Vùng kinh tế trọng điểm Hoàng Mai-Quỳnh Lưu gắn với Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An được hình thành theo hướng p hát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp động lực như ximăng, nhiệt điện, luyện thép, cơ khí, hoá chất, vật liệu xây dựng, cảng biển; xây dựng các cơ sở du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, phục vụ các khu công nghiệp và nhân dân các vùng lân cận và phát triển các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, các vùng chuyên canh rau, các cơ sở đánh bắt, chế biến hải sản.


Khai thác khoáng sản được Nghệ An quy hoạch phát triển ở vùng kinh tế miền Tây Nghệ An

Vùng kinh tế miền Tây Nghệ An, trọng tâm là huyện Nghĩa Đàn-Thị xã Thái Hòa- huyện Quỳ Hợp sẽ có khu nông nghiệp công nghệ cao Nghĩa Đàn và phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An, với các sản phẩm có lợi thế (kinh tế rừng, cao su, chè, mía đường, chăn nuôi đại gia súc, chế biến thịt, thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản); phát triển các cơ sở khai thác, chế biến thiếc, đá ốp lát, bột đá trắng ở Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đến nay, tại các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Nghệ An đã xác định được chức năng, vị trí, nhu cầu đầu tư phát triển và đang tập trung thực hiện các quy hoạch được Trung ương và tỉnh phê duyệt.

Để thực hiện thành công mô hình các vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Nghệ An đang nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến thuê đất, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ vốn, kỹ thuật... để mời gọi các nhà đầu tư đến thực hiện các dự án trong các vùng kinh tế trọng điểm; khuyến khích các doanh nghiệp và người dân khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.

Theo VLXD.org
(TH)