Ngày 22/1, tại Hà Nội, Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu kết quả Đề tài “Nghiên cứu sử dụng tro bay hàm lượng mất khi nung lớn hơn 6% làm phụ gia cho sản xuất bê tông và vữa xây dựng”, do Viện Vật liệu xây dựng chủ trì thực hiện. ThS. Trần Đình Thái - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường - Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội đồng chủ trì Hội nghị.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, Th.S Lê Việt Hùng – Chủ nhiệm đề tài báo cáo với Hội đồng về kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu sử dụng tro bay hàm lượng mất khi nung lớn hơn 6% làm phụ gia cho sản xuất bê tông và vữa xây dựng”.
Sau thời gian nghiên cứu đề tài của nhóm tác giả Viện Vật liệu xây dựng đã được Hội đồng thông qua.
Theo thống kê đến thời điểm năm 2014, các Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) ở Việt Nam thải ra khoảng khoảng 5 triệu tấn tro xỉ/năm. Tro bay có thể sử dụng thay thế 20-30% lượng xi măng cho sản xuất bê tông thông thường hoặc bê tông yêu cầu sử dụng trong môi trường xâm thực mạnh, bê tông công trình biển. Bê tông đầm lăn, bê tông khối lớn lượng dùng tro bay có thể lến đến hơn 200 kg/m3 bê tông.
Với kết quả nghiên cứu của đề tài này, việc sử dụng tro bay NMNĐ đốt than phun sử dụng than antraxit Quảng Ninh với lượng mất khi nung (MKN) đến 20% cho sản xuất xi măng, bê tông và vữa xây dựng ở Việt Nam (bê tông, vữa không sử dụng phụ gia cuốn khí do chúng ta không có vùng khí hậu băng giá) là có thể chấp nhận được. Tuy vậy, hiện nay chúng ta đang có tiêu chuẩn TCVN 10302:2013 về tro bay cho bê tông, vữa xây dựng và xi măng trong đó lượng MKN cho phép đến 12% và 15% cho bê tông cốt thép và không cốt thép tương ứng, do vậy, trên cơ sở đảm bảo chất lượng các kết cấu bê tông đặc biệt là bê tông cốt thép và lượng MKN trong tro bay thực tế ở hầu hết của NMNĐ đốt than phun ở Việt Nam hiện nay, các ngưỡng quy định này là phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam hiện nay.
Đối với tro bay NMNĐ theo công nghệ đốt tầng sôi sử dụng than antraxit Quảng Ninh, do những ảnh hưởng bất lợi của chúng đến tính chất của bê tông cốt thép, bê tông và vữa xây dựng nên cần có thử nghiệm đánh giá trước khi sử dụng, đặc biệt là khi sử dụng chúng cho chế tạo bê tông và vữa xây dựng tiếp xúc với môi trường xâm thực và các kết cấu có sử dụng cốt thép.
Hình dạng mẫu vữa ngâm trong môi trường Na2SO4 sau một năm.
Nhóm tác giả cũng kiến nghị cần có các nghiên cứu bổ sung đối với tro bay sử dụng nguồn than nhập ngoại cho NMNĐ ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng cho cho bê tông, vữa và xi măng, đặc biệt với tro xỉ của NMNĐ sử dụng các loại than không có ở Việt Nam (ví dụ than nâu).
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng ông Trần Đình Thái đồng tình với các ý kiến nhận xét và góp ý của các thành viên Hội đồng, đồng thời đánh giá cao tính khoa học và ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Kết quả của Đề tài phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra và đã được áp dụng thử nghiệm trong thực tế.
Để hoàn thiện báo cáo đề tài, Chủ tịch Hội đồng Trần Đình Thái đề nghị nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng. Kết quả của Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua.